-->
Mỗi một vùng đất thiêng lại có một địa thế, một phương vị thật hài hòa, hợp lí vể mặt phong thủy. Đât có hình thế linh thiêng, nước ôm bao hiền hòa trong xanh đẹp đẽ. Ở nơi đó đời sinh người hiển tài cho quê hương, non song đất nước. Một trong những địa thế đẹp và được kiểm chứng qua chiều dài lịch sử phải kể đến Làng Hành Thiện – Xã Xuân Hồng – Huyện Xuân Trường – Nam Định. Hành Thiện là ngôi làng cổ thuộc hành lang phủ Thiên Trường, cái tên Hành Thiện có từ đời Lê Trung đời Hưng thứ nhất, năm 1454.






Hành Thiện, tạm giải nghĩa là nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện. Bản đồ làng Hành Thiện mang hình một con cá chép: đầu hướng Nam, đuôi hướng Bắc, bụng hướng Tây, lưng hướng Đông. Nơi đầu cá có miếu thờ thần Tam giáp, người có công đầu tạo lập làng. Nơi bụng cá là chợ Hành Thiện, một cái chợ quê rất đông đúc. Khu dân cư ở từ mang cá đến rốn cá, được chia thành 14 khúc, mỗi khúc cách nhau 60 mét. Chiều sâu của khúc dài nhất là 600 mét, khúc ngắn nhất là 200 mét. Mỗi khúc gọi là một dong. Dong dài được chia làm hai xóm, dong ngắn là một xóm. Từ rốn cá đến đuôi cá là ưng điền (ruộng gieo mạ) và nghĩa trang nhân dân của làng. Đuôi và vây sau của 'con cá' có ngôi chùa Keo, xây dựng năm 1588. Theo xã chí của làng thì Hành Thiện xưa là vườn kim quất của vua Trần. Chạy dọc từ đầu tới đuôi Cá, sâu chuỗi 14 nãm là một con đường trục của làng lát gạch nghiêng. Đã hàng trăm năm con đường này hình thành nên hai dãy nhà hai bên như một đường phố, có các cửa hàng cửa hiệu buôn bán sầm uất.



Theo cách nhìn của các nhà tử vi thì hình dáng của làng Hành Thiện ở thế cá hoá rồng. Phía ''bụng cá'' giáp làng Ngọc Tiên có hình giống một nghiên mực; phía 'lưng cá'' giáp làng Hương Phúc có mảnh đất giống cái ngòi bút. Đầu cá Thành Hoàng ngự, làng sẽ giữ được bản sắc thuần phong. Đuôi cá Nguyễn Minh Không vừa là Thiền sư vừa là thi nhân ngự. Vậy luận theo Phong Thủy và Kinh Dịch thì Hành Thiện là đất phát tiết cho cả chính khách và thi nhân.



Từ xa xưa vùng này đã có câu ngạn ngữ ''Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện'' ngụ ý: làng Cổ Am thuộc tỉnh Hải Dương xứ Đông xưa (nay là Vĩnh Bảo - Hải Phòng) cùng với làng. Hành Thiện của Nam Định có nhiều người học hành đỗ đạt cao. Tại làng Hành Thiện còn có câu ''Trai học hành, gái canh cửi'' để nói rằng cái đáng trọng nhất của con trai Hành Thiện là chuyện đèn sách; cái đáng yêu nhất của con gái Hành Thiện là chuyện kéo tơ, dệt vải. Con gái canh cửi thường trắng nõn nà, khéo tay, chăm chỉ. Đọc thơ Sóng Hồng (bút danh của đồng chí Trường Chinh) ta cũng đủ thấy cái không khí của Hành Thiện:

Trăng xuống làm gương em chải tóc
Làm đèn anh học suốt đêm dài

Chẳng hiểu các thầy địa lý chủ quan và khách quan đến đâu nhưng bao đời nay không ai về thăm Hành Thiện lại không thừa nhận: Hành Thiện là một làng địa linh nhân kiệt, khoa danh vang lừng khắp nước. Thời Nho học, làng Hành Thiện có 419 người đỗ đạt. Trong đó: 7 đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Người khai khoa cho làng là cụ Nguyễn Thiện Sĩ sinh năm 1501. Năm 1522 đỗ cử nhân. Người có bằng cấp cao nhất trong làng là cụ Đặng Xuân Bảng (ông nội của đồng chí Trường Chinh) sinh năm 1828; năm 1856 đỗ Tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh. Làng có 4 người làm quan Thượng thư; 4 người làm quan Tuần phủ; 4 người làm quan Tổng đốc; 23 người làm quan giúp việc triều đình; 69 người làm quan Tri phủ, Tri huyện; còn lai số người đỗ đạt trên đi làm thầy giáo, thầy thuốc ở khắp nơi.

Thời học chữ Pháp, làng có 51 người đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân, trong đó có Đặng Xuân Khu (đồng chí Trường Chinh) tốt nghiệp cao đẳng Thương mại Đông Dương. Tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin trước ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, làng Hành Thiện có 3 người: Đặng Xuân Khu, Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Thế Rục.

Thời hiện đại, làng Hành Thiện vẫn là ngôi làng có nhiều người học hành giỏi giang thi cử đỗ đạt nhiều nhất so với mọi ngôi làng trong tỉnh Nam Định. Cụ thể là: 88 người được Nhà nước phong hàm giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ và trên 600 người có bằng cử nhân. Trong khi đó dân số của làng chỉ có trên 6000 người. Vậy nên thời hiện đại vẫn có câu ngạn ngữ ''Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện''. Làng Thủy Nhai, cách Hành Thiện không xa là một làng thiên chúa giáo rất có tài làm đậu phụ. Còn Hành Thiện, dường như gia đình nào cũng có người đỗ Tú tài.

Làng có 4 tướng lĩnh quân đội là Đặng Quốc Bảo, Đặng Kinh, Đặng Quân Thụy, Nguyễn Sĩ Quốc; 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang là Phạm Gia Triệu, Nguyễn Đăng Kính. Hàm Bộ trưởng có Đặng Hồi Xuân, Đặng Vũ Chư. Tương hàm giáo sư có: Đặng Vũ Khiêu, Đặng Xuân Kỳ, Đặng Vũ Minh. Nhà văn Đặng Vũ Khiêu là Anh hùng Lao động.

Làng có 2 gia đình được tặng thưởng bằng có công với nước: cụ Đặng Xuân Viện (thân phụ đồng chí Trường Chinh), cụ Đặng Ngọc Định (thân phụ đồng chí Đặng Xuân Thiều, Đặng Quốc Bảo).

Làng có 2 người được Giải thưởng Hồ Chí Minh là ông Đặng Vũ Hỷ (thân phụ đồng chí Đặng Vũ Minh) và ông Đặng Vũ Khiêu.

Làng Hành Thiện còn là nơi phát tích sinh hạ ra 2 hoa hậu báo Tiền phong. Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa là cháu gọi ông Đặng Vũ Minh bằng cậu. Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy, con bà Đặng Thị Bính; bà Bính con ông Đốc Hỷ, cũng là người có danh trong làng.

Thật may mắn cho cách mạng và Đảng Cộng sản Việt Nam có một lãnh tụ được sinh ra trong cái làng quý phái sang trọng ấy - đồng chí Trường Chinh. Nói cho hết nhẽ thì đồng chí Trường Chinh là sản phẩm cao quý của một ngôi làng cao quý; trái lại chính gia tộc của ông có tác động trở lại góp phần vào sự thăng hoa cường vượng của làng.

Gia tộc đồng chí Trường Chinh có gốc gác họ Trần, thuộc chi Hưng Trí Vương, con trai thứ 4 của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Có một sự trùng hợp là Hưng Đạo vương và đồng chí Trường Chinh trùng ngày mất tính theo lịch âm. Hưng Đạo vương mất 20-8-1300; đồng chí Trường Chinh mất 20-8-1988. Ông nội đồng chí Trường Chinh là cụ Tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh Đặng Xuân Bảng - một nhà văn hoá trứ danh mà thành phố Nam Định sắp sửa lấy tên cụ đặt cho một đường phố. Có lẽ không cần nhiều lời, chỉ cần điểm tên các tác phẩm, công trình của cụ đã đủ khiến chúng ta hết lòng khâm phục và kính trọng, đó là: 'Độc sử bị khảo'' (3 tập); 'Thiện Đình Văn, Thiện Đình Thi''; ''Khâm định tập văn trích yếu'' (Ngữ ngôn); 'Huấn tử quốc âm ca'' (Văn - triết); 'Cư gia huấn tắc giới'' (Giáo dục); ''Cổ kim thiện ác kính'' (2 tập); ''Thánh tổ hàn thực diễn ca'' (Sử); ''Bắc sử thông giám'', ''Nam sử tiên lãm' (Sử); ''Sử học bị kháo' (4 tập); 'Việt sử cương mục tiết yếu'' (8 tập); 'Cổ nhân ngôn hành'' (triết); 'Nam phương danh vật bị khảo'' (Sinh vật); ''Huấn tục ca'' (Giáo dục); ''Tuyên Quang phủ (Văn - dân tộc học); ''Như tuyên thi tập'' (Thơ).. .

Cụ Đặng Xuân Viện (thân phụ đồng chí Trường Chinh), cũng là người học cao hiểu rộng. Cụ không gặp may mắn trên đường lều chõng thi cử, nhưng bù lại, cụ có thiên hướng văn chương, nghệ thuật không thua kém những văn nhân nghệ sĩ đương thời. Cụ là một trong những cây bút chính trong nhóm ''Nam Việt đồng thiên hội''. Cụ biên soạn bộ ''Minh đô sử' (gồm 100 quyển đóng thành sách) do ông Lê Trọng Hàm, người Hội Khê đứng đại biểu và đề tựa. Năm 1946 ông cho tái bán tác phẩm ''Nói có sách'' (thuộc loại dân tộc và ngôn ngữ học trong bộ ''Minh đô sử). Ngoài công trình đồ sộ trên, có thể kế hàng loạt tác phẩm của ông: ''Thiên đình xã chí'' (Sử - địa 4 tập, 1934); ''Vô danh anh hùng'' (Sử); 'Hữu danh anh hùng'' (Sử); ''Hán văn sơ học tiếp giải'' (Nhà in Việt Dân - 1941); ''Nghi lễ phổ thông'' (Nam Phong số 146, 150 năm 1930); ''Nhuận hồ'' - tức Hồ Quý Ly - (tiếu sử Nam Phong số 151, năm 1930); ''Nguyễn Tựu tiên sinh truyện'' (Nam Phong số 152, năm 1930); 'Truyện Thần nữ Vân Cát'' (Nam Phong số 137 năm 1929); ''Lịch sử Nguyễn Hữu Cầu'' (Nam Phong số 137 năm 1929); 'Lịch sử Tây Sơn'' (Nam Phong số 135 năm 1929); ''Ngô Vương Quyền'' (Nam Phong số 161 năm 1931); ''Trần - Nguyên chiến kỷ'' (Nam Phong số 167 năm 1931); ''Truyện Đức Dương Khổng Lộ'' (Nam Phong số 141 năm 1929); ''Tây đô thắng tích'' (Nam Phong số 160 năm 1931); “Nam Định địa dư nhân vật khảo'' (Nam Phong số 164 năm 193); ''Nam kỳ địa chí' (Nam Phong số 162 năm 1931); ''Mấy tay tuần lại nước Tàu đô hộ ta xưa'' (Nam Phong số 165 năm 1931)...

Sinh ra và lớn lên trong một gia tộc có truyền thống yêu nước, lại được tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin từ rất sớm, đồng chí Trường Chinh đã có ý thức rất cao trong việc thừa kế tinh hoa chính trị văn hoá của ông cha.


  ( ông Trường Chinh - Một trong số danh nhân đất Hành Thiện )

                                                                    
Ngay từ thuở ấu thơ ông đã làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, làm quen với thơ Đường, thơ Tống, hiểu sâu văn hoá và sử học nước nhà. Nho giáo là nếp sống, là đạo lý nhiều đời của gia tộc nhưng Trường Chinh không tiếp thu nho giáo một cách thụ động. Ông nhìn rõ mặt hạn chế của nho giáo (bởi đó là hệ tý tưởng chính thống của chế độ phong kiến lỗi thời) và lên án nó, đồng thời những hợp lý của nho giáo như tinh thần hiếu học, như thái độ trọng nghĩa khinh tài, giữ cuộc sống thanh đạm, liêm khiết thì ông coi đó là những mặt tốt để góp phần lưu giữ truyền thống và bản sắc văn hoá Việt Nam. Trên con đường cứu nước, ông nhìn ra sự bất lực của ông cha do không có một đường lối đúng đắn soi đường. Sinh ra trọng gia đình quý tộc, nhưng ông hoà nhập rất tự nhiên vào giai cấp vô sản là vì thế.

Mặc dù làm lãnh tụ bận trăm công ngàn việc, ông vẫn viết nhiều công trình tác phẩm, có thể kể như: ''Vấn đề dân càỵ'' (viết chung với đồng chí Võ Nguyên Giáp); 'Kháng chiến nhất định thắng lợi''; ''Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng dân tộc Đông Dương''; ''Cách mạng Tháng Tám'' (1946); 'Kháng chiến nhất định thắng lợi'' (1947); 'Chủ nghĩa Mác với vấn đề văn hoá Việt Nam'' (1948); ''Bàn về Cách mạng Việt Nam (1951). Đặc biệt phải nói đến công trình ''Đề cương văn hoá Việt Nam'' được xem là kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng văn hoá Việt Nam trong thời đại mới. Ông còn viết hàng trăm bài dưới dạng tiểu luận, luận bàn và định hướng văn hoá văn nghệ; hàng vài trăm bài báo luận bàn trên nhiều lĩnh vực của xã hội. Ông từng làm chủ bút báo Cờ giải phóng. Trong thời kỳ mặt trận bình dân, ông đã phụ trách các tờ báo tiếng Pháp như Le Travaill, Rassemblement, En Avant và báo Tin tức.

Hai tuyển tập thơ Sóng Hồng tập1, tập 2 đúng như ông khiêm nhường thừa nhận trong lời nói đầu của tuyến tập ‘Tiếc rằng thơ tôi chưa được như điều tôi mong muốn.. . Đó là do nãng khiếu thơ và công phu trau dồi nghệ thuật của tôi chưa đủ'... 'Có khi việc đáng nên thơ, nhưng công tác sự vụ đã lôi cuốn đi, cho nên đã không thành thơ. Cũng vì tôi là một cán bộ cách mạng biết làm thơ chứ không phải là một nhà thơ. Những bài thơ tôi làm cốt để phục vụ tuyên truyền cách mạng hoặc để ghi lại một số tình cảm sâu sắc của đời mình''.

Cho dù thế thì ở tất cả mọi công trình, tác phẩm, bài viết, người đọc tinh tường vẫn nhận ra ông không chỉ là một lãnh tụ xuất sắc mà còn là một nhân cách văn hoá lớn, đậm đà bản sắc Việt Nam.

Mỗi lần tôi về thăm Hành Thiện, khi nhắc đến ông, nhân dân lại nói về tác phong giản dị nhưng sâu sắc, tôn trọng và tự trọng ở ông.

Ngôi nhà lưu niệm Trường Chinh ở quê Hành Thiện, vẫn là ngôi nhà gỗ cổ, lợp ngói từ thuở ông mới sinh ra; đồ vật lưu giữ chẳng có gì ngoài một tủ sách chữ nho và quốc ngữ, một bàn thờ với hoành phi câu đối, một số bức ảnh - nó chẳng khác gì ngôi nhà của một nhà giáo xưa ở nông thôn; vậy mà hàng ngày vẫn có những đoàn khách từ khắp nơi về đây thăm thú, thắp hương tưởng niệm tỏ lòng biết ơn vị lãnh tụ và nhà văn hoá lớn của dân tộc.                

 và đây là một số hình ảnh về mảnh đất thiêng liêng này:




Chùa hành thiện - Nơi  tâm linh của cả vùng Xuân Thủy   


Bơi trải mùa lễ hội truyền thống


Bơi từ sông quê ra sông lớn

để như cá chép hóa rồng:
 
và các thế hệ sau đang phấn đấu tiếp bước cha ông

Để những tấm lòng quê gặp nhau trong ngày hội của làng


  Có dịp về Nam định mời các bạn về thăm mảnh đất giàu truyền thống này nhé!



                                      ( Tư liệu có tham khảo bài của nhà báo Lê Hoài Nam )

Share this:

Show Disqus Comment Hide Disqus Comment

Disqus Comments