-->
Đã từ lâu, việc thờ cúng là một nghi thức, một tập quán thể hiện nét đẹp trong truyền thống văn hoá người Việt. Con người chúng ta không chỉ thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ - những lớp người đi trước đã có công sinh thành, dưỡng dục mà còn rất nhiều những vị thánh đã trở thành bất tử trong đời sống tâm linh của con người Việt Nam. Ngày nay, trong xu thế hội nhập hoá, cùng sự phát triển đến “chóng mặt” của “cuộc sống số”, những nét đẹp đã trở thành truyền thống ấy vẫn đang được lưu giữ và cần phải được giữ gìn, phát huy. Chính vì lí do trên, chúng tôi đã lựa chọn hình tượng “Tứ bất tử trong tín ngưỡng văn hoá dân gian người Việt” để chia sẻ với các bạn trong những dư vị dân gian truyền thống giúp mình sống ý thức về cội nguồn văn hoá Việt hơn này.




b. Thánh Gióng
Nhân vật Thánh Gióng trở thành một hình tượng quá đỗi quen thuộc với nhân dân. Trong tâm trí người Việt mãi khắc ghi câu chuyện về một đứa trẻ kì lạ, sinh ra từ dấu chân trên ruộng rau mà người mẹ hiếm muộn đặt chân lên ướm thử, lên 3 mà không nói, không cười. Vậy mà khi giặc Ân từ phương Bắc tới xâm chiếm nước nhà, cậu bé kia bỗng đổi khác, đứng dậy, nói năng, đòi ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đi đánh giặc. Bằng niêu cơm của nhân dân, tráng sĩ lớn mạnh, một mình xông pha giữa trận tiền, đánh tan giặc Ân bằng luỹ tre làng. Giặc tan, vị anh hùng bỏ lại tất cả, cúi lạy về phía quê hương, một người một ngựa bay lên trời.
Thánh Gióng là hào khí của bản anh hùng ca hoành tráng từ ngàn xưa vọng lại. Niềm tự hào, kính trọng về sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, đây còn là bản tình ca tuyệt đẹp về tình mẫu tử, về trách nhiệm của cá nhân với đất nước.
Ngày nay, Hội khoẻ Phù Đổng được tổ chức hàng năm để bộc lộ tinh thần thượng võ của con người Việt Nam, nhằm rèn luyện thể lực cho thế hệ trẻ, nêu cao tinh thần dân tộc từ đời xưa truyền lại cho bao lớp trẻ Việt là vì vậy.
Ngàn đời tưởng nhớ công lao to lớn của Thánh Gióng, tháng 10 năm 2010, trong không khí hào hùng, linh thiêng của những Ngày Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhân dân Việt Nam ta đã Khánh thành Tượng đài Thánh Gióng tại đỉnh núi Đá Chồng (thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Tượng đài đúc bằng đồng nguyên chất có kích thước cao 11,7m, trọng lượng trên 80 tấn, dựng trên đỉnh núi Đá Chồng - đỉnh cao nhất trong quần thể di tích đền Sóc, chùa Non, Học viện Phật Giáo Việt Nam, tương truyền cũng là nơi Thánh Gióng cởi áo giáp, cúi chào quê hương và thăng thiên hoá Thánh. Tượng mô phỏng hình ảnh Thánh Gióng tay mang bụi tre ngà, cưỡi ngựa hướng về trời xanh do nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân thiết kế. Tượng đài Thánh Gióng vươn cao là kết tinh của hồn thiêng sông núi, nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn thành quả do ông cha để lại, đồng thời phát huy truyền thống đấu tranh không có gì quý hơn độc lập tự do.
c. Thánh Chử Đồng Tử (hay còn gọi là Chử Đồng Tử)
Huyền thoại Chử Đồng Tử là câu chuyện của Đạo giáo, Đạo Thần Tiên - một tín ngưỡng vốn du nhập từ bên ngoài vào nước ta từ rất sớm. Cốt lõi huyền thoại cũng như tín ngưỡng Chử Đạo Tổ là tín ngưỡng Đạo giáo mang màu sắc tín ngưỡng dân gian thuần Việt.
Chắc hẳn chúng ta không thể quên được câu chuyện cổ tích về Chử Đồng Tử - một chàng trai nghèo đánh bắt cá ven sông. Chàng sống cuộc sống nghèo khổ tới mức cả hai cha con chỉ chung nhau một cái khố. Khi cha mất, người con hiếu thảo không nỡ để cha chết trần không có tấm khố che thân. Chàng đã đóng khố, mai táng cho cha. Cuộc gặp gỡ như định mệnh giữa chàng trai nghèo với công chúa Tiên Dung - con gái Hùng Vương thứ 18 trong lần công chúa đi du ngoạn ven sông, thấy cảnh vật nên thơ đã cho thị nữ giăng màn tắm tiên, ai ngờ, chính chỗ Tiên Dung tắm là nơi Chử Đồng Tử vùi mình dưới cát trốn lúc thấy thuyền bè đi qua. Họ nên vợ nên chồng từ đó.
Chử Đồng Tử đi vào tâm thức dân gian là người con hiếu thảo, nhân ái. Không chỉ vậy, chàng còn là biểu tượng cho chí hướng phát triển cộng đồng: người có công mở mang khai phá đồng bằng trũng lầy thành cánh đồng tươi tốt, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và phát triển các ngành nghề khác, đặc biệt là buôn bán. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã mở một hướng mới cho sự phát triển dân tộc, tạo nên sự giao lưu giữa dân tộc và cộng đồng bên ngoài.
Tích xưa kể lại, một đêm giông gió, khi quân lính triều đình của vua Hùng kéo đến vì tưởng Chử Đồng Tử và Tiên Dung làm phản, hai vợ chồng đã bay về trời. Nơi dựng lâu đài của Chử Đồng Tử giờ chỉ còn là một cái đầm lớn. Đầm ấy, ngày nay có tên là Đầm Nhất Dạ (tức Đầm Một Đêm) hay còn gọi là Đầm Dạ Trạch tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
d. Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Trong huyền thoại của dân tộc, dân gian vẫn tin rằng Liễu Hạnh là công chúa Quỳnh Hoa – con gái của Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi đánh rơi chén ngọc giữa lúc thiết triều nên bị đày xuống trần gian rồi đầu thai vào một cô gái dân thường.
Trong tiềm thức của nhân dân, Liễu Hạnh là một vị thần biểu tượng cho khát vọng tự giải phóng, nhất là người phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến, khát vọng đạt được hạnh phúc gia đình.
 Công chúa Quỳnh Hoa ba lần đầu thai xuống trần giới đều trong hình ảnh của 3 cô gái xinh đẹp, được ăn học tử tế, giỏi thơ văn. Lần giáng trần cuối cùng, Liễu Hạnh hiển linh giúp đỡ người lành, trừng phạt kẻ ác. Từ đó, nhân dân đã lập đền thờ. Bấy giờ, vua Lê tưởng bà là yêu quái đã cho quan quân tới phá đền. Liễu Hạnh đã quyết chống trả tới cùng.
 Ngày nay, trên mảnh đất hình chữ S, nhân dân đã lập đền thờ chúa Mẫu Liễu Hạnh ở nhiều nơi. Người Nam Định chúng ta tự hào với lễ hội Phủ Giầy được tổ chức vào tháng 3 Âm lịch hằng năm tại quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Người người khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc nô nức kéo nhau về tổ chức nghi lễ, thắp nén hương thơm biết ơn bà Chúa Liễu Hạnh thể hiện truyền thống “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”.
                                                                                                    ( Theo nhà nghiên cứu Kim Oanh )

Share this:

Show Disqus Comment Hide Disqus Comment

Disqus Comments